Private conversations
Help Users

    Chuyện cổ tích dành cho người lớn

    ROSE

    Hiền lành - Yếu đuối
    Ngày xưa bằng tuổi cháu, bà làm gì được đi học? Chỉ được cụ cho học hết lớp 3 cho biết chữ, sau đó phải ở nhà trông em, đâu có được đi học. Khi bà được đi học thì mấy đứa con trai ở lớp toàn phải chui qua chân bà vì bà học giỏi hơn chúng nó…

    Bạn nghe câu đó có “quen quen” không nhỉ? Đó là một câu “kinh điển” của một người bà thế hệ 2X, 3X nói với đứa cháu thế hệ 9X hoặc 0X. Và câu trả lời thường xuyên sẽ là: “Bà ơi, bà lẩm cẩm rồi. Cái thời đó xa lắm rồi bà ạ”

    Hồi trước bố đi học làm gì có xe máy như bọn con bây giờ. Mấy đứa bây giờ, giả sử không có xe máy thì sẽ có người đèo hoặc đi xe ôm. Thời đó bố đi bộ 10, 12 cây số mỗi buổi sáng đến trường là chuyện bình thường. Khi đi về có khi còn tranh thủ nhặt thêm củi, rác để mang về nhà đun ý chứ. Buổi chiều thì phải đi chăn trâu cắt cỏ, buổi tối thì vừa trông em vừa tranh thủ học với cái đèn dầu tù mù, vậy mà bố có thấy ai bị cận thị như các con bây giờ đâu, vẫn học hành giỏi giang tốt nghiệp đại học như ai…

    Câu này thì sao? Đó cũng là một câu “kinh điển” thứ hai của thế hệ bố mẹ chúng ta, những người thuộc thế hệ 4X và 5X. Đối với các bạn 9X, và 0X, đó vẫn là “chuyện cổ tích”. Câu trả lời sẽ là: “Ôi giời, lại cái chủ đề cũ rích đó rồi. Bố nói nhanh lên con phải đi học thêm bây giờ”

    Cái thời bọn anh học đại học, sáng ăn vội ăn vàng cái bánh mì, cong đuôi đạp xe gần 10 cây số vào trường học. Đường thì vừa xa vừa bụi, giờ học thì oái oăm, toàn là 7g sáng hoặc 12g trưa. Trong túi thường xuyên chỉ có 2 ngàn: vừa đủ uống 1 cốc trà + 1 cái kẹo lạc (hoặc 1 điếu thuốc- với chú nào hút thuốc), còn 1 ngàn kia để vá xe (nhỡ có thủng săm). Thời đó chú nào không đau dạ dày là may lắm rồi đấy…

    Đó là câu nói của thế hệ 7X chúng tôi với những bạn thuộc thế hệ 9X và 0X. Câu trả lời thường xuyên nhất là một nụ cười rất tươi y như nghe chuyện tiếu lâm-nếu người phát ngôn ra nó là một người cũng thuộc dạng “phình phường thôi”, hoặc có thể là một ánh mắt đăm chiêu- nếu người nói câu đó là một người được đánh giá là “đạt được một cái gì đó trong cuộc sống”.

    Ít bạn biết rằng, có một chân lý mà nói ra nghe có vẻ rất bôn sê vích, nhưng nó không bao giờ thay đổi: “Bàn tay ta làm nên tất cả”. Tôi có thể kể cho các bạn hàng trăm gương doanh nhân đi lên từ 2 bàn tay trắng: Thái Tuấn Chí (gấm Thái Tuấn), Lý Quí Trung ( Nam An group: Maxi, Ibox, Phở 24…), Đặng Lê Nguyên Vũ (cà phê Trung Nguyên)…Nhưng một ví dụ gần gũi nhất, lớn lao nhất đối với tôi chính là người chú ruột của mình. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo “rớt mùng tơi”, gia đình có 7 người con, tốt nghiệp trường Kinh Tế Kế Hoạch (nay là Học Viện Ngân Hàng), hành trang vào ngân hàng công thương thị xã Tam Kỳ lập nghiệp là một chiếc va ly rách và 3 bộ quần áo. Đúng 18 năm sau, con người đó trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân Hàng Công Thương Việt Nam (một trong 4 ngân hàng lớn nhất nước), kiêm chủ tịch công ty Chứng Khoán Công Thương (tại thời điểm tôi viết bài này thì chú tôi đã chuyển lên Trung Ương công tác, vị chủ tịch hiện nay nguyên là Tổng Giám Đốc trước đây)

    Nhưng thôi, những gương mặt của thế hệ 4X- 5X có lẽ vẫn là hơi xa vời với các bạn 9X. Bây giờ các bạn hãy thử tưởng tượng điều này xem sao nhé:

    +23 tuổi, tốt nghiệp Đại học ra trường, khi bạn bè bắt đầu chạy tất tả tìm việc thì bạn đã có một quá trình làm việc và kinh nghiệm đáng kể. Bạn có thể vào một công ty hàng đầu làm việc với mức lương khởi điểm 500$ (nhớ là 500$ tại thời điểm năm 2001 nhé). Bạn chọn cách: không thèm đi làm cho ai hết

    +Vào một ngày đẹp trời, bạn nói với bố mẹ là: bố mẹ ơi, con chán ở nhà rồi. Con ra ở riêng đây. Con mới đặt tiền mua một cái nhà chung cư rồi (giá chung cư hồi đó khoảng 200M) Và một tháng sau đó bạn dọn đồ ra ở riêng

    +Bạn mới có người yêu. Bạn chợt nhớ ra là: suốt mấy năm cấp 3 và ĐH bù đầu vào công việc, hình như là từ bé đến giờ mình chưa đi du lịch nước ngoài thì phải. Vậy là, mời người yêu làm một tour quanh châu Á: Nhật- Singpore- Hàn Quốc- HongKong

    +Vào một ngày, bỗng dưng bạn cảm thấy chán đi xe máy: vừa nắng, vừa mệt. Ngày hôm sau, bạn quay về nhà với chiếc xe 4 bánh, và mời bố mẹ đi ăn khao chiếc xe đầu tiên của cuộc đời do bạn tự mua và tự lái

    Bạn tưởng tượng: mới 24 tuổi, bạn đã có gần như tất cả mọi thứ mình muốn. Hơn thế nữa: đó hoàn toàn là BẠN TỰ LÀM RA BẰNG KHẢ NĂNG CỦA MÌNH. Bạn có quyền tiêu xài, làm tất cả mọi thứ mình thích theo ý mình. Cuộc sống như vậy thì sao nhỉ?

    Xin thưa, đó hoàn toàn không phải là một câu chuyện cổ tích. Đó là một câu chuyện có thật- mặc dù nghe như chuyện cổ tích- về một người bạn hoàn toàn có thật của tôi. Chúng tôi là bạn đã mười mấy năm nay. Và cuộc đời của anh ấy là minh chứng cho một chân lý: “Xong sớm -nghỉ sớm”. Nếu bạn cố gắng khi còn trẻ, cuộc sống của bạn sẽ an nhàn về sau. Bạn hãy tưởng tượng điều này: bố mẹ chúng ta là công chức nhà nước, đi làm từ năm 22 tuổi, và làm quần quật đến năm 60 tuổi mới được nghỉ hưu với số lương hưu ít ỏi. Còn bạn, hoàn toàn có thể nghỉ hưu vào năm 30 tuổi, và dành thời gian còn lại của cuộc đời để…chơi và tận hưởng hết những gì tuyệt vời nhất của cuộc sống mang lại. Cố gắng khi còn trẻ bao giờ cũng dễ dàng hơn rất nhiều- vì chúng ta còn có sức khỏe- nhiệt huyết và có thời gian để làm lại. Đối với những ai “chưa lo chỗ đứng đã lo chỗ nằm”, người đó sẽ “nằm” mãi mãi.
     
    Back
    Top